Lan man về mấy cái cây

Ngày còn trọ học ở Huế, tôi ở đường Đống Đa – con đường mà trong ký ức của tôi còn mang tên là đường Hàng Đoác. Thật ra, tôi ấn tượng cái tên đó vì những ấn tượng kỷ niệm thời con gái của mẹ tôi hơn.

Ngày đầu tiên chuyển tới nhà trọ, mẹ tôi dẫn đi ăn ở một quán của một dì bạn học ngày xưa. Quán cũng nằm trên đường Đống Đa. Không biết do gặp bạn cũ hay quay lại chốn thân quen, mẹ tôi kể nhiều chuyện ngày trẻ. Tôi chẳng nhớ được gì nhiều, tôi chỉ nhớ được một số chuyện và cái tên “đường Hàng Đoác”. Một phần do cái tên ngồ ngộ, một phần do đó chính là cái đường mà tôi sẽ đi qua hàng ngày. Mẹ tôi kể ngày trước, trên đường chỉ trồng toàn cây đoác thôi nên mới có tên là đường Hàng Đoác. Cái giống cây nhìn hao hao giống dừa, hao hao giống cau; nhưng chẳng phải cau mà cũng chẳng phải dừa. Đó là đoác. Một đoạn đường từ khoảng đường Hai Bà Trưng đến đường Lý Thường Kiệt với hai hàng cây thẳng tắp hai bên. Sau này, tôi cũng đã lòng vòng những con đường khác ở Huế. Nhưng, chẳng có đường nào nhiều đoác như con đường ấy. Chẳng trách mà đường mang tên Hàng Đoác. Cây nào cây nấy cao tầm 8-10m, thẳng tắp. Bóng râm tuy không nhiều như bàng, như phượng, như xà cừ; nhưng vẻ đẹp thì không thua kém gì cả.

Ngày mẹ tôi còn trọ học ở Huế, mẹ tôi hay đi bộ về ở đường này. Trưa nắng, áo dài trắng, đi dưới hai hàng cây. Cái khung cảnh mẹ tôi vẽ ra trong đầu óc đứa con nít 11 tuổi như tôi mang đầy màu sắc tươi sáng và yên ả. Sau này, lên cấp 3, tôi cũng ngày hai buổi đi học trên con đường đó. Cũng có áo dài trắng, cũng có những trưa nắng, cũng có hàng cây cao xanh. Nhưng, tôi không có dáng đi bộ chậm rãi mà là gò lưng đạp như ma đuổi vì cái tật đi trễ; tôi không có mái tóc dài đen nhánh thướt tha mà là mái tóc ngắn cũn lấp ló dưới vành mũ lưỡi trai; tôi không có nón lá che kín mặt trước những lời chọc ghẹo của những anh chàng lẽo đẽo đi theo mà là cắm mặt cắm mũi đạp đến mức không biết có ai đang đi đằng sau hay không. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đường Hàng Đoác của tôi không đẹp bằng mẹ tôi. Hàng cây đó vẫn xanh, vẫn mát, vẫn cùng tôi đi qua bao kỷ niệm. Là những sáng mưa lay bay, cong mông đạp cho kịp giờ đi học đến nỗi không nghe được tiếng gọi của anh lớp trên vẫn hay đi cùng đường. Là những trưa được đứa bạn cưỡi xe máy chở về sau khi nó lên cơn chán cơm nhà thèm cơm bụi. Là những chiều lượn lờ đi ăn vặt cùng đám bạn trời đánh. Là những tối đạp nhẩn nha ngoài đường vì căn phòng trọ mái tôn đang nóng hầm hập như thiêu.

Cách đây khoảng vài năm, tôi nghe tin đường Đống Đa mở rộng hơn. Để thực hiện công tác mở đường, người ta phải chặt hạ những cây lâu năm trên đoạn đường đó. Những cây mới trồng thì được bứng trồng chỗ khác. Người ta hứa hẹn sẽ trồng lại như cũ, thậm chí nhiều cây hơn sau khi hoàn thiện xong. Hè năm ngoái, tôi có về lại Huế, có đi qua đường Đống Đa. Cây mới được trồng lên thật nhưng sao tôi cứ thấy không còn như xưa. Cảm giác như một khoảnh ký ức của mình đã bị bứng đem đi đâu mất tiêu rồi. Một đứa chỉ đi qua vài năm trên con đường ấy mà còn tiếc nhớ như thế, không biết những người đã sống và nặng lòng với cái tên “đường Hàng Đoác” còn lưu luyến nhung nhớ biết bao nhiêu. Chỉ hy vọng chục năm sau, khi những cái cây mới lớn lên, tôi và nhiều người sẽ tìm lại được khung trời xưa cũ của mình.

Chặt một cái cây thì dễ, trồng một cái cây cho lớn mới khó. Tôi không nghĩ rằng không được chặt đi bất kỳ một cái cây nào. Chỉ mong rằng, người ta chặt một cái cây chính đáng: vì cây mục ruỗng, vì cây yếu mòn, vì cây dễ đổ gãy gây nguy hiểm… Một cái cây nhiều lúc không chỉ đơn giản là một cái cây. Đó là kỷ niệm, là một miền yêu thương, là tuổi trẻ tươi đẹp của nhiều người. Đừng chặt một cái cây chỉ vì những thứ sâu mọt không nằm chính trên những cái cây.

Hồi hàng đoác ở đường Đống Đa bị chặt đi, chẳng có ruy-băng vàng nào được treo lên. Không phải không ai nuối tiếc những hàng cây đó. Tôi băn khoăn tự hỏi nếu chuyện đó xảy ra vào thời điểm như những ngày gần đây, thì mọi chuyện có khác?!

P.S: Sau này, tôi tìm hiểu thêm mới biết thật ra người Huế hầu hết đều nhầm: đa phần các cây trồng ở trên đường này là cây cọ dầu chứ không phải cây đoác. Tuy nhiên, đối với tôi và nhiều người, có quan trọng đó là cây gì, chỉ đơn giản là khung hình đã được chụp và dán cứng vào ký ức mà thôi.

Leave a comment